Kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2020-2021

 

    UBND HUYỆN TÂN HỒNG               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG TH TÂN THÀNH A1                       Độc lập –Tự do –Hạnh phúc

Số: 153/KH-THTTA1                            Tân Hồng, ngày 14 tháng 10 năm 2021

KẾ HOẠCH

Thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

 Trường Tiểu học Tân Thành A1 năm học 2020 – 2021

         Căn cứ kế hoạch số: 114/KH-THTTA1 ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Trường Tiểu học Tân Thành A1 về việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2020 – 2021;
Căn cứ kế hoạch số 121/THTTA1 ngày 09 tháng 10 năm 2020 của Trường Tiểu học Tân Thành A1 về kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025 trong Trường Tiểu học Tân Thành A1;

        Căn cứ vào đặc điểm tình hình của nhà trường và điều kiện của địa phương.

       Trường Tiểu học Tân Thành A1 xây dựng kế hoạch thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2020 – 2021 như sau:

         I. Mục đích yêu cầu

– Tạo bước đột phá trong thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về công tác giáo dục đào tạo, đổi mới công tác quản lý.

– Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà là mục tiêu quan trọng trong nhà trường góp phần duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển giáo dục của nhà trường.

– Đáp ứng nhu cầu học tập và học tập suốt đời, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

– Dạy học hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục và hiệu quả đào tạo.

      II. Đặc điểm tình hình

  1. Thuận lợi

– Trường Tiểu học Tân Thành A1 là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Tân Hồng được sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Chính quyền địa phương, ban Nhân dân ấp Chiến Thắng, các ban ngành, đoàn thể xã Tân Thành A, Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Hồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Cha mẹ học sinh, các nhà mạnh thường quân quan tâm giúp đỡ nhà trường, trình độ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn có nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cùng với sự quyết tâm nỗ lực hết mình của đội ngũ CB-GV-CNV và sự tích cực học tập của học sinh toàn trường, đội ngũ đoàn thanh niên nhiệt tình. Chi bộ nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng dạy và học. Trường có 15 lớp ( 8 lớp học 2 buổi/ngày với tổng số học sinh là 153 em) thuộc các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5. Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, các Tổ trưởng tổ chuyên môn, Tổ trưởng tổ văn phòng và các bộ phận trong nhà trường luôn tổ chức hoạt động thường xuyên và có hiệu quả cao.

– Cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản đáp ứng được nhu cầu tối thiểu để nhà trường hoạt động đạt chất lượng và hiệu quả.

  1. Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi nhà trường vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục trong năm học 2020 – 2021 đó là:

– Trường có 4 điểm cách nhau khá xa còn phải qua cầu làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt chuyên môn.

– Một số cha mẹ học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình, thường cho các em nghỉ học theo cha mẹ đi làm thuê ở xa, chưa trang bị đầy đủ dụng cụ học tập của học sinh mà chỉ giao khoán cho nhà trường. từ đó cũng gặp nhiều khó khăn cho giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

– Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường còn hạn chế, chưa có khu hiệu bộ và các phòng chức năng, sân trường chưa được lót đan nhiều, nhà vệ sinh và nhà để xe còn thiếu.

     III.  MỤC TIÊU

  1. Huy động, duy trì sĩ số

– Huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là 45/45 em, đạt tỉ lệ 100%

– Huy động trẻ trong độ tuổi đến trường là 241/241 em, đạt tỉ lệ 100 %

– Duy trì sĩ số học sinh đến cuối năm là 241/241 đạt tỉ lệ 100 %

– Hạn chế thấp nhất tỉ lệ học sinh bỏ học, học sinh lưu ban.

  1. Chất lượng giáo dục

– Hình thành và phát triển Năng lực: Mức Đạt trở lên tỉ lệ 100% (241 em)

– Hình thành và phát triển Phẩm chất: Mức Đạt trở lên tỉ lệ 100% (241 em)

– Môn học và hoạt động giáo dục:

+ Hoàn thành tốt; Hoàn thành: đạt tỉ lệ 99,58% trở lên (240 em trở lên)

+ Học sinh Hoàn thành chương trình tiểu học: đạt tỉ lệ 100% (40 em)

+ Học sinh Hoàn thành chương trình lớp học: đạt tỉ lệ 99,58% (240 em)

+ Hiệu quả đào tạo: đạt 100% (40/40 em)

– Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

     IV.  Nội dung và giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục

  1. Xây dựng, củng cố nâng cao nhận thức trách nhiệm

Quán triệt sâu rộng trong toàn thể Cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nâng cao nhận thức trách nhiệm, lấy kỷ cương nề nếp làm đòn bẩy cho sự nâng cao chất lượng công tác.

  1. Nâng cao năng lực CBQLGD và đội ngũ GV

– Tiếp tục tổ chức thực hiện Quy định đạo đức nhà giáo và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thực hiện Kế hoạch số 121/KH-THTTA1 ngày 09 tháng 10 năm 2020 của Trường Tiểu học Tân Thành A1 về Kế hoạch thực hiện đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 trong Trường Tiểu học Tân Thành A1.

– Thống kê, rà soát đội ngũ giáo viên, lấy hiệu quả công tác giảng dạy đánh giá năng lực đội ngũ, bố trí sắp xếp lại CBQL, phân công chuyên môn một cách hợp lý; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất đạo đức, chính trị, năng động, sáng tạo, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục để đáp ứng yêu đổi mới.

– Đổi mới cách bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về chuyên môn và nghiệp vụ theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo các thông tư và công văn hướng dẫn của Bộ GDĐT; chú trọng việc bồi dưỡng cán bộ quản lý, khuyến khích giáo viên tự học, tự  bồi dưỡng để nâng cao trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, đặt biệt là  sau Đại học.

– Trên cơ sở thông tư hướng dẫn chuẩn năng lực Hiệu trưởng, chuẩn năng lực giáo viên và hiệu quả công tác thực tế tại đơn vị. Hiệu trưởng nhà trường phân loại giáo viên theo từng bộ môn, nhiệm vụ của giáo viên, đồng thời có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng hoặc đào tạo lại, sàng lọc, tinh giản đội ngũ giáo viên.

– Tổ chức cho cán bộ giáo viên học tập các chỉ thị, nghị quyết, tuyên truyền pháp luật, các qui định của Đảng, nhà nước, ngành và địa phương.

– Tuyên truyền vận động tập thể cán bộ giáo viên có ý thức tự học hỏi, nghiên cứu, trao đổi rút kinh nghiệm thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn ở tổ, các buổi thao giảng, hội giảng chuyên đề nhằm đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy. Tham gia học tập các lớp nâng cao nghiệp vụ như: như học Trung cấp, Cao đẳng đối với nhân viên, Đại học đối giáo viên.

– Tổ chức có hiệu quả hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Tạo sân chơi cho giáo viên có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyên môn.

– Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với nhà giáo, tạo động lực phấn đấu cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

– Đẩy mạnh phong trào mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức để học sinh noi theo để từ đó mỗi giáo viên thể hiện được tâm huyết và lương tâm trách nhiệm của nhà giáo.

– Đặc biệt tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ công chức và học sinh về các phong trào thi đua lớn của ngành như: Phong trào thi đua Hai tốt; phong trào giỏi việc trường, đảm việc nhà; phong trào xây dựng trường học thân thiên, học sinh tích cực; phong trào mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo; phong trào dân chủ, kỉ cương, tình thương và trách nhiệm; phong trào thực hiện Hai không với bốn nội dung…

– Giáo viên xem mỗi học sinh như một người em, người con trong gia đình và phối hợp tốt ba môi trường giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.

– Dạy lồng ghép ATGT hàng ngày và nêu được lợi ích và tác hại của ATGT.

– Dạy cho học sinh hiểu về tiểu sử các anh hùng tại địa phương.

– Chuyên trách Đội thường xuyên sinh hoạt ở các điểm lẻ, Công đoàn chăm lo đời sống cho công đoàn viên được tốt hơn.

  1. Tiếp tục đổi mới quản lí giáo dục

–  Tăng cường quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục; củng cố kỷ cương, nền nếp trong dạy học, kiểm tra đánh giá bảo đảm khách quan, chính xác, công bằng; chú trọng quản lý, phối hợp hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh
theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011; tăng cường quản lý chặt
chẽ việc dạy học 2 buổi/ ngày và dạy thêm, học thêm (DTHT) theo Công văn số 68/SGDĐT-TTr ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp về việc hướng dẫn thực hiện dạy 2 buổi/ngày và dạy thêm học thêm trong nhà trường. Căn cứ Công văn số 1069/SGDĐT-STC ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp về việc hướng dẫn thực hiện về đối tượng, cơ chế thu, quản lý học phí, chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; dạy 02 buổi/ngày, ngoại ngữ tăng cường, tổ chức bán trú và giữ trẻ tại cơ sở giáo dục từ năm học 2019-2020;

– Tổ chức chuyên đề triển khai Chuẩn kiến thức kĩ năng đến từng giáo viên; Tổ khối họp định kỳ triển khai hướng dẫn giáo viên soạn giảng đúng theo chuẩn kiến thức và kỹ năng.

      – Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng phần mềm máy tính trong việc quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên, quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh (hướng tới sử dụng sổ liên lạc điện tử; sổ điểm điện tử nhưng được đóng thành tập lưu trữ theo mẫu qui định của Bộ GDĐT).

  1. Tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra nội bộ

      – Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác kiểm định chất lượng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện đổi mới quản lý, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.

        – Kiểm tra việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ và kết quả chuyên môn theo từng lĩnh vực; kiểm tra hoạt động sư phạm nhà giáo, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra  dạy thêm, học thêm, kiểm tra việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày,…

        – Lập kế hoạch kiểm tra nội bộ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra thường xuyên ở các lĩnh vực trong nhà trường.

        – 100% giáo viên phải soạn giảng bám sát Chuẩn kiến thức kỹ năng và công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1 tháng 9 năm 2011 về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học GDPT. Đổi mới phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, dạy theo hình thức cá thể hóa học sinh, áp dụng tốt kỹ thuật dạy học như: kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật chúng em biết 3, kỹ thuật phòng tranh…vv, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

        – Tổ trưởng kiểm tra việc soạn giảng của giáo viên 1 lần/tuần, nhà trường kiểm tra thực tế việc soạn giảng, thực hiện chương trình của giáo viên 4 tuần /1 lần.

      – Tổ trưởng, nhà trường kiểm tra đánh giá hàng tuần việc soạn giảng của giáo viên để kịp thời chỉnh sửa theo đúng qui định về chuẩn kiến thức kỹ năng.

  1. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chuyên môn và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

      – Chú trọng hoạt động của tổ chuyên môn, tổ chức bồi dưỡng năng lực quản lý chuyên môn cho tổ trưởng, đổi mới cách sinh hoạt theo hướng tập trung giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh. Tiếp tục tăng cường sinh hoạt tổ chuyên môn một cách có hiệu quả theo công văn hướng dẫn số 648/SGDĐT-GDTH ngày 09 tháng 6 năm 2020 của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn cấp Tiểu học kể từ năm học 2020-2021.

       – Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng bộ môn để hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng dữ liệu nguồn mở về bài giảng điện tử; câu hỏi kiểm tra, đề kiểm tra tham khảo theo ma trận.

       – Thực hiện tốt công tác bàn giao chất lượng lớp dưới lên lớp trên một cách hiệu quả, thiết thực, rà soát, kiểm tra lại học sinh của từng lớp để có biện pháp chỉ đạo công tác phụ đạo kịp thời, tránh tình trạng học sinh không đủ chuẩn lên lớp trên, phân công giáo viên theo năng lực sở trường để phát huy khả năng của từng người. Tổ chức kiểm tra, đánh giá theo phương châm “dạy thật, học thật, chất lượng thật”.

        – Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bố trí dạy học tự chọn hợp lý đồng thời xây dựng phân phối chương trình chi tiết. Tập trung tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với các lớp đầu cấp, cuối cấp và học sinh còn khó khăn trong học tập. Quản lí chặt chẽ chương trình, nội dung giảng dạy của giáo viên và kinh phí nhằm thực hiện tốt mục tiêu tổ chức dạy học trên 6 buổi/tuần góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

       – Tăng cường dự giờ thăm lớp đối với giáo viên, giúp đỡ giáo viên mới ra trường, giáo viên còn thiếu kinh nghiệm; chú trọng tổ chức cho giáo viên viết SKKN; đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán.

       –  Giáo viên tạo điều kiện và hướng dẫn cho học sinh biết cách nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, rèn luyện kỹ năng tự học, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, phù hợp với các đối tượng; vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, khắc phục việc ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất.

       – Thông qua các buổi chuyên đề, thao giảng, sinh hoạt chuyên môn ở đơn vị và hội nghị giao ban…từ đó cập nhật những phương pháp mới áp dụng vào thực tiễn giảng dạy để nâng cao chất lượng giảng dạy ở đơn vị.

        – Mỗi Tổ chuyên môn tổ chức ít nhất 1 tiết thao giảng bằng giáo án điện tử/HK .

       – Hằng năm nhà trường có kế hoạch phân công mỗi giáo viên ra một bộ đề thi bám sát theo chuẩn kiến thức kỹ năng phù hợp với điều kiện và trình độ của học sinh từ đó tổ trưởng, nhà trường xây dựng bộ đề thi theo đúng quy định của ngành.

       – Tổ chức kiểm tra định kỳ đúng thời gian quy định và theo hướng dẫn của ngành.

       – Phân công coi và chấm thi có sự giám sát của Ban giám hiệu.

      – Đầu năm giáo viên phân loại học sinh từ đó dạy nâng cao cho học sinh có thành tích nổi bật thông qua lồng ghép các trò chơi học tập nâng cao kiến thức.

      – Tăng cường công tác nền nếp lớp.

      – Có kế hoạch thời gian bồi dưỡng học sinh năng khiếu, sưu tầm các tài liệu bổ trợ cho các môn năng khiếu, phân công giáo viên và thường xuyên kiểm tra đôn đốc.

      – Nhà trường có biện pháp nâng cao chất lượng toàn diện từ lớp đầu cấp và duy trì đến khi hoàn thành chương trình tiểu học cụ thể: tổ chức phụ đạo trái buổi, học sinh nổi bật kèm học sinh còn hạn chế. Kết hợp với Đội TNTPHCM tình nguyện giúp đỡ học sinh còn khó khăn trong học tập.

       – Tổ chức cho Đoàn Thanh niên của trường kèm cặp, giúp đỡ học sinh khối 1 mỗi tuần ít nhất 2 buổi trở lên tại các điểm.

      – Thường xuyên tổ thao giảng, báo cáo chuyên đề về công tác chuyên môn. Cán bộ quản lý tăng cường kiểm tra dự giờ, thăm lớp để kịp thời uốn nắn các trường hợp vi phạm qui chế chuyên môn, cụ thể:

      – Thao giảng mỗi giáo viên thao giảng 1 tiết/ học kỳ.

      – Giáo viên dự giờ trao đổi kinh nghiệm ít nhất 16 tiết/năm.

      – Tổ trưởng tăng cường dự giờ trao đổi kinh nghiệm cho đồng nghiệp.  Sinh hoạt tổ chuyên môn 2 tuần/lần.

     – Ban giám hiệu kiểm tra dự giờ theo kế hoạch kiểm tra nội bộ và kế hoạch kiểm tra hoạt động sư phạm kịp thời uốn nắn nâng cao chất lượng chuyên môn.

       *Sử dụng thật hiệu quả thiết bị dạy học hiện có và đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng thiết bị dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh:

       – Nhà trường cùng cán bộ thư viện có kế hoạch cụ thể về việc tổ chức sử dụng có hiệu quả các thiết bị và đồ dung dạy học hiện có. Giáo viên gởi danh sách mượn ĐDDH trước 3 ngày cho CBTV.

        – Giáo viên trực tiếp đứng lớp thường xuyên nghiên cứu vận dụng phương pháp và hình thức dạy học có sử dụng thiết bị và ĐDDH một cách thường xuyên.

       – Giáo viên hưởng ứng phong trào làm và sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học một cách năng động, sáng tạo qua các ĐDDH tự làm phục vụ trong giảng dạy hằng ngày(giáo viên làm ĐDDH lưu giữ để sử dụng lâu dài).

       – Ban giám hiệu, cán bộ thư viện, thiết bị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giáo viên thực hiện và quản lí thiết bị đồ dùng dạy học.

       – Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh còn khó khăn trong học tập, chú trọng việc phân công giáo viên có kinh nghiệm phụ đạo, phối hợp với các đoàn thể của trường và Ban đại diện CMHS để quản lý, hỗ trợ và tổ chức phụ đạo học sinh còn khó khăn trong học tập ngay từ đầu năm học với các giải pháp như sau:

         + Phụ đạo trái buổi theo lịch đăng ký được nhà trường duyệt.

         + Ngay các buổi họp phụ huynh học sinh giáo viên hướng dẫn cách dạy học ở nhà cho phụ huynh nắm và dạy cho con em ở nhà.

         + Tổ chức phong trào đôi bạn cùng tiến, học nhóm ở nhà đối với những học sinh ở gần nhau, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc học nhóm của các em.

         + Tổ chức các trò chơi mang tính giáo dục và khắc sâu kiến thức đối với học sinh còn khó khăn trong học tập qua các tiết học có liên quan, qua công tác sinh hoạt Sao nhi đồng của Tổng Phụ trách Đội.

         + Vận động xã hội hóa trang bị dụng cụ học tập cũng như trang bị góc học tập ở nhà của các em.

         + Phát huy vai trò của đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ học sinh còn khó khăn trong học tập.

         + Phối hợp với tất cả các đoàn thể chung tay giúp học sinh còn khó khăn trong học tập có tiến bộ.

         + Thể hiện vai trò, trách nhiệm của giáo viên tăng cường thời lượng phụ đạo học sinh.

        + Giáo dục học sinh gắn với những hình ảnh, đồ vật trong gia đình, trong nhà trường với những con số, chữ cái phù hợp với điều kiện nhận thức của học sinh.

        + Quan tâm, tuyên dương, khen thưởng đối với những giáo viên, đoàn viên, nhân viên thực hiện tốt phong trào này.

         – Tổ chức dạy học hiệu quả: Xây dựng kế hoạch thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học; dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng để thiết kế bài giảng, đề kiểm tra phù hợp với đối tượng học sinh; lấy kết quả học tập của học sinh đánh giá kết quả giảng dạy của giáo viên.

        – Thực hiện việc vận dụng các phương pháp thực hành trong các môn học; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh; tăng cường liên hệ thực tế, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học.

         – Tổ chức bồi dưỡng giáo viên:

         + Tăng cường dự giờ thăm lớp đối với giáo viên, giúp đỡ giáo viên mới ra trường, giáo viên còn thiếu kinh nghiệm; chú trọng tổ chức cho giáo viên nghiên cứu sáng kiến cải tiến giải pháp hữu ích vào công tác giảng dạy, lề lối làm việc, đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán trong đơn vị.

         – Giải pháp sửa nói ngọng cho học sinh: Giúp học sinh thoải mái, thả lỏng người và thật bình tĩnh trước khi nói. Không hỏi dồn khiến học sinh lúng túng, nói lắp, ngọng…Dạy học sinh  cách đặt lưỡi thế nào, hơi bật ra làm sao và làm mẫu để học sinh dễ dàng bắt chước và học theo. Nói chuyện, hát cho học sinh nghe: dùng từ ngữ thật chuẩn và thường xuyên, học sinh sẽ có một quá trình để bắt chước theo những bài hát, câu chuyện mà giáo viên kể. Với những từ học sinh bị ngọng chúng ta sẽ kể lại phần đó nhiều lần để học sinh ghi nhớ và làm theo. Cho học sinh tiếp xúc với môi trường rộng lớn bên ngoài. Việc tăng cường những hoạt động giao tiếp, nhất là ở chỗ đông người sẽ khiến học sinh nhanh nhẹn, mau miệng hơn. Hạn chế để học sinh tiếp xúc với người hay bị nói ngọng. Khi học sinh nói  ngọng, tuyệt đối không nhái lại, điều này khiến các em sẽ không ý thức được việc phát âm chuẩn là việc nên làm.

  1. Phối hợp với các Phòng, Ban, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh

       – Xây dựng và tổ chức có hiệu quả kế hoạch liên tịch giữa nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học về phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực năm học 2020-2021”;

       – Phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức hoạt động nhằm giáo dục ý thức, động cơ học tập, bồi dưỡng nâng cao nghị lực, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

       – Phối hợp với ngành Công An để tuyên truyền giáo dục Luật An toàn giao thông, phòng chống ma tuý, HIV/AIDS, ngăn ngừa và xử lý kịp thời tệ nạn xã hội trong học sinh, bảo đảm an ninh, trật tự trường học.

       – Xây dựng quy chế phối hợp giữa “Nhà trường – Gia đình – Hội khuyến học, chính quyền và đoàn thể địa phương” để giáo dục học sinh tại cộng đồng; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

       – Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá giáo dục, xây dựng xã hội học tập.

  1. Các chỉ tiêu về phong trào

     * Chỉ tiêu các hội thi:

     + Làm lồng đèn trung thu: đạt 01 giải cấp huyện.

     + Ngày hội giao lưu học sinh cấp trường: 7 học sinh; cấp huyện đạt 02 giải.+ Vẽ tranh cổ động: đạt 01 giải cấp huyện.

     + Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện đạt ít nhất 02 giải.

     + Tham gia đầy đủ các hội thi và phong trào khác.

       Trên đây là kế hoạch thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2020 – 2021 của Trường Tiểu học Tân Thành A1./.

Nơi nhận:                                                                                  HIỆU TRƯỞNG

– Phòng GD-ĐT ( b/c);

– UBND Xã ( b/c);

– CB-GV-CNV (thực hiện);                                                         Trần Tấn Phước

– Lưu: VT.